'Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh' gợi ý quảng bá du lịch qua phim

Nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19, hội thảo "Khẳng định vị thế phim Việt" nhấn mạnh việc thúc đẩy du lịch qua các phim truyện.

Buổi hội thảo diễn ra sáng 2/12 tại TP HCM. Trong tham luận, ông Nguyễn Thiên Phúc, giám đốc một công ty du lịch, khẳng định lượng khách du lịch nước ngoài tăng lên đáng kể nếu nhiều đạo diễn đưa hình ảnh đất nước lên phim. Ông Phúc đưa dẫn chứng sau phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, lượng du khách đổ về Phú Yên tăng đột biến. "Mục đích của họ là được tận mắt chiêm ngưỡng những cảnh đẹp trên phim. Đó chính là một cách kích thích nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của người dân", giám đốc nói.

Hiện tượng của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh không phải cá biệt, nhưng rõ nhất trong thời hiện đại. Trước đây, khi phim Chuyện của Pao sau khi phát hành ngoài rạp và chiếu trên truyền hình, Hà Giang dần trở thành điểm đến với nhiều du khách trong và ngoài nước. Hay ba bộ phim Đông Dương, Người tình Điện Biên Phủ cũng kéo được khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam tăng từ 92 nghìn lên hơn một triệu lượt người ở giai đoạn 1992-1994, trong đó du khách Pháp chiếm đa số.

Từ kết quả nghiên cứu này, đại diện ngành du lịch cho biết họ sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Cục điện ảnh để quảng bá hình ảnh đất nước trong các dự án phim sắp tới.

toi-thay-hoa-vang-tren-co-xanh-goi-y-quang-ba-du-lich-qua-phim

Sau phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", lượng khách du lịch đổ về Phú Yên tăng đột biến. 

Đáp lời ông Phúc, bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh - khẳng định từ năm 2016 Cục sẽ chú trọng sản xuất những bộ phim gắn với quảng bá du lịch. "Chúng tôi hướng đến xây dựng hình ảnh đất nước như một thương hiệu thông qua các bộ phim điện ảnh", bà Ngô Phương Lan phát biểu.

Việc quảng bá hình ảnh đất nước bằng phim ảnh là một trong số nhiều mục tiêu nhằm khẳng định vị thế của phim Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Xung quanh vấn đề này, nhiều đại biểu chỉ ra những hạn chế trong công tác sản xuất.

Bà Nguyễn Thế Thanh - nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP HCM - khẳng định muốn đem phim Việt Nam ra thi đấu quốc tế, trước hết các nhà làm phim phải thuyết phục được khán giả trong nước. "Trước khi làm thương hiệu quốc tế, phim Việt Nam phải tạo được thương hiệu quốc gia bằng cách thuyết phục khán giả trong nước. Điều này được quyết định bởi chính chất lượng tác phẩm", bà Thế Thanh nói.  

Nói thêm về thương hiệu quốc gia của phim Việt, NSND Lương Đức - người nhiều năm gắn bó với phim tài liệu - cho rằng lâu nay Cục Điện ảnh bỏ quên mảng phim tài liệu khoa học và phim hoạt hình dù thể loại này rất đắc dụng khi đưa vào giáo trình giảng dạy bằng hình ảnh cho học sinh, sinh viên. Một đại biểu khác cho rằng, các bộ phim điện ảnh chỉ nhắm vào khán giả thành thị mà bỏ qua thị trường nông thôn với hơn 70% dân số của cả nước.

toi-thay-hoa-vang-tren-co-xanh-goi-y-quang-ba-du-lich-qua-phim-1

Thành viên của ba ban giám khảo của Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 19. Ảnh: Gia Tiến.

Giải đáp thắc mắc này, bà Ngô Phương Lan khẳng định Cục Điện ảnh luôn khuyến khích hạng mục phim tài liệu trong các kỳ liên hoan. "Một điều đáng buồn là số người theo đuổi thể loại tài liệu, khoa học ngày càng ít. Hầu như kỳ liên hoan phim nào cũng chỉ có dưới 10 phim tham gia tranh giải", Cục trưởng cho biết.

Ngày 3/12, hội thảo tiếp tục thảo luận các vấn đề liên quan đến phát triển, hội nhập phim ảnh Việt Nam với khu vực và thế giới. Đại diện một số nước có nền điện ảnh phát triển sẽ góp mặt với nhiều chia sẻ về việc quảng bá phim ra nước ngoài.

Châu Mỹ

Previous
Next Post »