Cuộc sống mưu sinh cơ cực không ngăn cản được tình yêu đặc biệt của Phan Văn Kiệt dành cho bóng đá, đội U21 HAGL và tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh.
Năm nay 26 tuổi, Kiệt rong ruổi khắp các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu long để bán quần áo dạo. Cuộc sống cơ cực, chắt bóp từng đồng từng hào. Nhưng khi biết U21 HAGL tham dự giải U21 quốc tế, anh quyết định nghỉ làm rồi khăn gói lên TP HCM.
“Vì lâu không lên Sài Gòn nên tôi có mặt từ hai ngày trước khi khai mạc để tìm hiểu đường xá cũng như thông tin về giải đấu”, Kiệt chia sẻ cùng VnExpress. “Đây là lần đầu tôi được xem bóng đá ở sân Thống Nhất nên cảm thấy khá lạ lẫm. Bữa đầu tiên tôi phải mua vé chợ đen mới vào được sân”.
Phan Văn Kiệt (giữa) hoà mình vào đám đông CĐV ở giải U21 quốc tế - Cup Clear Men. Ảnh: Đức Đồng. |
Hôm khai mạc Kiệt thấy một nhóm CĐV mang áo đỏ cổ vũ cho U21 HAGL rất chuyên nghiệp và bài bản nên lân la tìm hiểu. “Thấy một anh mặc áo đỏ đẹp quá, tôi nài nỉ bán lại chứ không xin. Sau đó mọi người giới thiệu cho tôi đến gặp người quản lí của Hội”, anh kể.
Ở đó Kiệt quen Nguyễn Ân, một thành viên phụ trách Hội CĐV Việt Nam. “Tôi tiếp xúc với nhiều người nhưng khi gặp bạn cổ động viên này, tôi thấy thương vì tính cách thật thà và hoạt bát. Khi biết hoàn cảnh của Kiệt, tôi liền bảo cậu ấy trả phòng để về trọ cùng mình cho đỡ tốn tiết. Ai cũng đến đây với tình yêu bóng đá là chính, và tôi cũng chưa chắc mình có thể làm được điều tương tự trong hoàn cảnh của Kiệt”, Nguyễn Ân cho biết.
Những ngày ở lại TP HCM đồng hành cùng giải đấu, Kiệt luôn là thành viên năng nổ trong việc cắt dán, vẽ băng-rôn, làm các công tác hậu cần cho Hội và cả hoạt náo viên trên khán đài. “Đến sân xem bóng đá phải cổ vũ nhiệt tình mới tạo nên sức mạnh giúp các cầu thủ”, Kiệt quan niệm. “Nếu đến sân mà chỉ ngồi xem xong rồi về thì chán lắm, thà ở nhà xem tivi còn hơn”.
Giải đấu kết thúc, Kiệt sung sướng vì đội bóng yêu thích U21 HAGL lên ngôi. “Tôi hạnh phúc vì các cầu thủ không chỉ U21 HAGL và U21 Việt Nam đều đá đẹp và tài năng. Cá nhân tôi mê tiền vệ Tuấn Anh vì lối chơi thông minh, hào hoa và hiệu quả. Còn Công Phượng thì không thích lắm, vì nhiều khi cậu ấy ham rê dắt không cần thiết”, anh thẳng thắn nhận xét.
Khi biết hoàn cảnh khó khăn, Nguyễn Ân (trái) đã đưa Kiệt về phòng trọ để ở chung để người bạn mới đỡ gánh nặng tài chính. Ảnh: Đức Đồng. |
Kiệt là con út trong gia đình có ba chị em. Cha mẹ làm nông ở phường Rạch Sỏi, thị xã Rạch Giá, Kiên Giang. Nhà nghèo, Kiệt phải mưu sinh từ nhỏ. “Cả nhà năm người nhưng chỉ có hai công đất nên lúc đó cha mẹ và các chị phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống. Cực khổ quá nên tôi chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa”, Kiệt kể. “Đến năm hơn 11 tuổi, tôi mới được đi học vì lúc ấy các chị đã lớn. Nhưng khi lên lớp bốn, tôi bắt đầu cảm nhận được rõ ràng hơn những khó khăn của gia đình, thấy mình như một gánh nặng của cả nhà”.
Nghĩ vậy nên trong một lần đến trường, anh chàng này bỏ học và bắt xe lên TP HCM. “Lúc đấy chỉ biết cứ đi vậy thôi cho nhà bớt khổ chứ chưa biết sẽ làm gì và sống như thế nào. Sau khi tôi đi, gia đình cứ tưởng tôi đi bụi”, anh nói.
Lận lưng chỉ có 1.500 đồng, Kiệt xin ké xe khách lên bến xe Chợ Lớn. Hai đêm đầu, cậu phải ngủ trên ghế đá trong bến xe. Đến khi đói quá, không còn cách nào khác phải ra ngoài đường xin ăn và gặp một bà bán hàng tốt bụng. Sau khi biết được hoàn cảnh, bà giới thiệu Kiệt về một phòng chơi bida để lau bàn với lương 300.000 một tháng.
Làm ở đó được vài tháng, Kiệt chuyển sang mua bán băng đĩa dạo. “Thời điểm đó internet chưa phát triển như bây giờ nên bán băng đĩa được lắm. Mỗi cái DVD tôi mua vào chỉ 3.000 đến 3.500 đồng nhưng bán ra tận 15.000 đồng”, Kiệt cho biết. “Tôi lang thang bán nhiều nơi ở Sài Gòn, buổi trưa vào quán cà phê võng ngủ, chiều đi bán đến khuya và sau đó lại đi tìm quán cà phê để ngủ qua đêm. Nhiều lúc còn ngủ ở những nơi khác vì còn phải dành tiền gửi cho gia đình”.
Mưu sinh trên TP HCM được gần hai năm, cậu mang về hơn 130.000 triệu đồng khiến cả nhà bất ngờ. Từ số tiền của Kiệt, gia đình mua thêm đất ruộng và cùng buôn bán nhiều mặt hàng khác. Riêng chàng thanh niên đam mê bóng đá này chuyển qua bán quần áo dạo bằng xe máy, suốt ngày lang thang ở các hội chợ, khu công nghiệp, lễ hội… các tỉnh miền Tây.
“Bây giờ gia đình tôi đã khá lên rồi, hai chị gái đã lập gia đình, mẹ tôi bán quán cà phê tại nhà, còn cha lo cho đìa tôm. Riêng tôi vẫn thích đi bán quần áo dạo, và sắp tới sẽ mở một shop nhỏ để kinh doanh”, anh khoe.
Kiệt in những tấm ảnh do phóng viên VnExpress chụp để anh mang về quê "khoe" với mọi người. Ảnh: Nguyễn Ân. |
Chí thú làm ăn, bao nhiêu tiền dành dụm được anh đều đưa cho mẹ. Thời gian rảnh Kiệt ra đìa tôm phụ cha và nhà bây giờ có mấy chục công đất để cả gia đình, các anh chị cùng canh tác. Vì thế, khi Kiệt xin phép lên TP HCM xem đá bóng, không ai phản đối mà còn cấp kinh phí cho cậu con trai duy nhất của gia đình thoả đam mê. Đó như là phần thưởng cho sự cần cù của anh.
“Tôi đam mê bóng đá nhưng chưa có điều kiện đi xem. Năm 2008 tôi may mắn được ra sân Mỹ Đình chứng kiến đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup và đây là lần thứ hai tôi đến xem các cầu thủ trẻ HAGL thi đấu thì họ lại đăng quang. Những kỷ niệm này sẽ khó quên với tôi”, anh tâm sự.
Đức Đồng
EmoticonEmoticon