Bức tranh xã hội trong 'Bức xúc không làm ta vô can'

Mỗi bài viết của Đặng Hoàng Giang về một vấn đề, hiện tượng nóng hổi được người dân quan tâm giống như một mảnh ghép thu nhỏ về xã hội hiện đại.

Bức xúc không làm ta vô can tập hợp 26 bài viết của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang. Sách chia làm ba phần: phần một xoay quanh chủ đề đám đông và cá nhân, phần hai là quan sát của tác giả trước các vấn đề kinh tế, phát triển, pháp luật, chính sách, phần cuối bàn về các hiện tượng văn hóa.

buc-tranh-xa-hoi-trong-buc-xuc-khong-lam-ta-vo-can

Bìa sách "Bức xúc không làm ta vô can".

Mỗi bài viết nêu lên ý kiến của tác giả về một sự việc. Các sự kiện này từng là chủ đề nóng được đông đảo người dân và truyền thông mổ xẻ. Trong Từ thiện câu like, Đặng Hoàng Giang bày tỏ cái nhìn ái ngại với những hoạt động không hẳn vì mục đích thiện nguyện, từ đó anh đề xuất các thái độ, cách làm khác. Tiến sĩ phê phán phong trào xây chung cư, biệt thự nhái phong cách kiến trúc Pháp ở bài viết Khi Louis XIV về làngTrong Bi kịch của sự hào nhoáng, tác giả chia sẻ những cái khó của người nổi tiếng, thay vì chỉ thấy mặt tồi tệ ở họ như nhiều người thấy trên truyền thông, mạng xã hội...

Bức xúc không làm ta vô can được viết với văn phong hóm hỉnh. Tác giả bày tỏ quan điểm khi gay gắt, lúc vị tha, cảm thông. Đặng Hoàng Giang đưa ra những kết luận thẳng thắn của mình về mỗi vấn đề.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh nhận xét: "Với lăng kính đa chiều, tư duy tự do phản biện, cách tiếp cận vững chắc của một nhà chuyên môn, tác giả mổ xẻ xuyên qua các lớp lang văn hóa, xã hội, đời thường mà hầu hết chúng ta đều biết để tìm đến thực chất, ý nghĩa đích thực của hiện tượng. Đây là tác phẩm của một nhà phê bình xã hội (như chúng ta hiểu về cụm từ 'nhà phê bình nghệ thuật', 'nhà phê bình văn học') mà hiện nay Việt Nam còn thiếu".

buc-tranh-xa-hoi-trong-buc-xuc-khong-lam-ta-vo-can-1

Tác giả Đặng Hoàng Giang.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận. Các hoạt động của anh hướng tới việc truyền bá tri thức, khuyến khích tư duy phản biện và xây dựng văn hóa tranh luận. Anh thường đưa ra bình luận xã hội về các hiện tượng văn hóa, xã hội đương đại. 

Y Nguyên

Previous
Next Post »